PHÂN XƯỞNG TÁI CHẾ RÁC
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP.HCM
KHOA GIÁO DỤC MẦM NON
SV: Ngô Thị Mỹ Linh
Lớp: Đại học Mầm non khoá 2 Quận 5
GIÁO ÁN
ĐỀ TÀI: PHÂN XƯỞNG TÁI CHẾ RÁC
Lứa tuổi: 5-6 tuổi (lá)
A. Mục đích:
– Trẻ hiểu được lợi ích của việc quét dọn và bỏ rác đúng nơi qui định, ích lợi của việc phân loại và tái chế rác
– Giáo dục các cháu biết được công sức lao động của các bác lao công quét đường
– Phát triển trí tưởng tượng, óc sáng tạo, sự khéo léo thông qua hoạt động tạo hình.
– Phát triển khả năng phối hợp hoạt động trong nhóm
B. Chuẩn bị:
– Băng nhạc bài hát "Bé quét nhà"
– Nhạc không lời bài Matsuri
– Power point trình chiếu hình ảnh
– Trước đó vài ngày, giáo viên thông báo cho các cháu và phụ huynh mang vào lớp các chai nhựa, các bao ny lông, các hộp sữa bằng giấy, các loại giấy báo, tạp chí cũ....
C. Tiến hành:
Hoạt động 1: "Nào ta cùng hát"
– Các cháu nghe nhạc, cùng hát và vận động theo cô bài hát" Bé quét nhà" 2 lần
Đàm thoại:
– Trong bài hát, em bé dùng chổi để làm gì?
– Tại sao chúng ta phải chăm lo quét dọn nhà cửa?
– Nếu không quét nhà thì việc gỉ sẽ xẩy ra với ngôi nhà của chúng ta ?
– Nếu chúng ta không chăm lo quét dọn giữ gìn vệ sinh đường phố thì việc gì sẽ xẩy ra với đường phố của chúng ta ? Cô mời các cháu xem phim
Hoạt động 2: xem phim- đàm thoại:
– Đố các con đây là gì ? Tại sao khắp mọi nơi đều có rác?
– Theo các con việc xả rác bừa bãi đã gây nên những tác hại gì? (từ slide 4 đến slide 7)
– Các con giúp cô so sánh hành động nào đúng và hành động nào sai? tại sao? (từ slide 8 đến slide 10)
– Người ta còn làm gì với rác ? (từ slide 11 đến slide 14)
– Cô đọc câu đố các con đoán xem là ai nhé:
" Nghề gì vất vả ai ơi
Tay đưa chổi quét sạch nơi phố phường
Trong nhà ngoài ngõ tinh tươm
Nhờ ơn cô bác sớm hôm chuyên cần?" (slide 15 đến slide 18.)
Giáo dục: các cô chú công nhân vệ sinh đã rất vất vả, không quản sớm hôm quét dọn cho đường phố sạch sẽ. vậy theo các con chúng ta cần phải làm gì để cho đường phố luôn sạch đẹp?
– Để thưởng cho những em bé ngoan nào ta cùng hát nhé
" Hay quá hay quá là hay, xin thưởng một tràng pháo tay 1, 2, 3
Vui quá vui quá là vui xin thưởng cho một nụ cười hi, hi, hi,....."
– Sau khi thu gom rác, người ta chở rác đi đâu?
– Người ta sẽ làm gì với rác? (Giáo viên bật tiếp slide 19 đến slide 25)
Cô tóm ý: "Những loại vật liệu có thể tái chế lại như: bao ny lông, giấy, vỏ lon bia, các loại hộp..... người ta sẽ tiến hành phân loại, sau đó đưa vào các nhà máy để tái chế lại thành các sản phẩm mới, còn những loại rác không thể tái chế được thì người ta xử lý bằng hoá chất sau đó đem đi chôn lấp hoặc đốt làm thành các loại phân bón cho đất, cho cây trồng tốt tươi. "
– Các cháu đọc bài thơ:
" Tôi có ở khắp mọi nơi
Có ích, có hại từ tay người dùng
Phân loại quan trọng vô cùng
Môi trường xanh sạch việc chung toàn cầu"
Hoạt động 3: Trò chơi "Phân loại rác"
Giáo viên giải thích cách chơi:
– Yêu cầu các cháu chia thành 2 nhóm, đếm số lượng cháu bằng nhau ở mỗi nhóm
– Ở mỗi nhóm có 1 thùng đựng các loại vật liệu hôm trước giáo viên dặn các cháu mang vào lớp
– Trẻ xếp hàng dưới vạch mức, khi có hiệu lệnh của giáo viên, cháu đứng đầu hàng sẽ chọn nhanh 1 loại vật liệu chạy dích dắc qua 3-4 chướng ngại vật, bật qua 3 vòng tròn chạy đến bỏ đúng vào rỗ có ghi sẵn tên của loại vật liệu: hộp, giấy, chai nhựa. Sau đó chạy về hàng đánh tay bạn kế tiếp thực hiện tiếp theo. Khi dứt 1 bài nhạc nhóm nào phân loại đúng và nhiều là thắng cuộc,
– Giáo viên hướng dẫn cháu đọc các từ ghi trên các rỗ có màu sắc khác nhau để cháu dễ phân biệt. Ví dụ: rỗ màu đỏ có từ hộp, rỗ màu xanh có từ chai nhựa, rỗ màu vàng có từ giấy.
Cho 3 cháu gỉỏi chơi thử, sau đó tiến hành thi đua chơi giữa 2 nhóm.
Giáo viên quan sát, giúp các cháu đếm số lượng vật liệu trong mỗi rỗ, nhận xét, tuyên dương các cháu.
Hoạt động 4: Phân xưởng tái chế rác
– Giáo viên chiếu cho các cháu xem một số đồ chơi được tái chế từ hộp, giấy, chai nhựa (từ slide 26 đến slide 30)
– Yêu cầu các cháu chọn các nguyên vật liệu tái chế thành các món đồ chơi.
– Các cháu đi và biểu diễn trên nền nhạc (bài: Matsuri) cùng với sản phẩm của các cháu vài vòng quanh lớp.
Kết thúc: tuyên dương các cháu, hướng dẫn các cháu cùng dọn dẹp đồ dùng
Social Links: